Gần đây, việc Bộ Tài Chính đề xuất dự thảo đánh thuế tài sản lên nhà trên 700 triệu đồng và ô tô trên 1.5 tỷ đồng gây ra nhiều tranh cãi. Bởi người dân dùng thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập cá nhân để mua nhà, lại bị đánh thuế sở hữu nhà, như vậy là phải chịu thuế kép.
Theo dự thảo, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.
- Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng. Mức thuế suất được áp dụng cho phần vượt lên ngưỡng quy định là 0,4%.
- Còn đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh; đất xây dựng nhà chung cư): áp dụng mức thuế suất là 0,3% trên toàn bộ giá trị đất.
Trao đổi với PV Infonet, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách đánh thuế nói trên. Theo ý kiến của ông, “các chính sách thuế bất động sản phải dựa trên 2 nguyên tắc: Thứ nhất, phải hỗ trợ người dân mua nhà, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và mua nhà lần đầu. Thứ hai, người nhiều tiền phải chịu thuế nhiều hơn người ít tiền.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu
“Với 2 nguyên tắc đó thì việc Bộ Tài chính đưa ra đề xuất đánh thuế cho BĐS có giá trị 700 triệu đồng trở lên, không kể ngôi nhà thứ nhất hay thứ hai thì tôi không đồng tình. Tôi chỉ đồng ý đánh thuế đất chứ không đánh thuế tài sản trên đất. Đánh thuế vào đất là điều hợp lý và đúng theo thông lệ quốc tế, nhiều quốc gia cũng chỉ đánh thuế người dân trên giá trị của đất hoặc quyền sử dụng đất”, ông Hiếu cho hay.
Theo phân tích của vị chuyên gia kinh tế này, tài sản trên đất đó là nhà thương mại, nhà ở do người dân dùng tiền thu nhập của mình để mua tài sản đó. Thu nhập đó có được đã đóng thuế TNCN, chủ sử dụng lao động đã đóng thuế TNDN, khi mua nhà người dân phải chịu thuế VAT, nếu bị đánh thuế tài sản thì sẽ lại một lần nữa phải chịu thuế. Như vậy mua một ngôi nhà an cư lạc nghiệp mà bị đánh thuế kép.
“Bộ Tài chính đưa ra mức thuế suất 0,4% trên giá trị tài sản là số tiền rất lớn, khi đánh thuế giá trị đất thì thuế suất cao hơn từ 1-5%. Nếu tính tổng cộng cả tài sản mà phải chịu mức chịu thuế như thế sẽ là khó khăn cho những người thu nhập thấp. Vì thế không đánh thuế trên tài sản xây dựng trên đất mà chỉ đánh thuế ở giá trị của đất”, ông Nguyễn Chí Hiếu nói.
Mặc dù cho rằng, việc đánh thuế tài sản sẽ tạo ra nguồn thu tốt cho Chính phủ, hoặc mỗi khi có cơn sốt đất, việc đánh thuế càng mạnh cũng có khả năng làm giảm hiện tượng đầu cơ, giảm nhiệt ở những nơi có cơn sốt, tuy nhiên nhưng ông Hiếu vẫn không đồng tình với phương pháp đánh thuế tài sản mà Bộ Tài chính đề xuất.
“Thuế VAT tăng từ 10 lên 12%, tăng thuế môi trường đối với xăng dầu... tất cả những loại thuế này sẽ tác động trực tiếp tới người dân. Thay vì nộp thuế, người dân chi tiêu, mua sắm sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất, phát triển kinh tế. Vì vậy nên xem xét lại đề xuất đánh thuế ngay từ ngôi nhà đầu tiên của người dân khiến người ta có cảm giác “sưu cao thuế nặng”, ông Hiếu nói.
Trong dự thảo Bộ Tài Chính đề xuất, có quy định 11 đối tượng thuộc diện miễn giảm, không phải đóng thuế. Cụ thể: 1. Đất, nhà ở của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đất của doanh nghiệp sử dụng trên 50% số lao động là thương binh, bệnh binh, người khuyết tật.
2. Đất của cơ sở thực hiện xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường.
3. Đất ở trong hạn mức giao đất ở mới, nhà ở của người hoạt động cách mạng trước ngày 19/8/1945; thương binh hạng 1/4, 2/4; người hưởng chính sách như thương binh hạng 1/4, 2/4; bệnh binh hạng 1/3; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; mẹ Việt Nam anh hùng; cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ khi còn nhỏ; vợ, chồng của liệt sỹ; con của liệt sỹ được hưởng trợ cấp hàng tháng; người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc da cam; người bị nhiễm chất độc da cam mà hoàn cảnh gia đình khó khăn.
4. Đất xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, cơ sở nuôi dưỡng người già cô đơn, người khuyết tật, trẻ mồ côi; cơ sở chữa bệnh xã hội.
5. Đất ở trong hạn mức giao đất ở mới, nhà ở tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
6. Đất ở trong hạn mức giao đất ở mới, nhà ở của hộ nghèo theo quy định của Chính phủ.
7. Đất có nhà vườn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận là di tích lịch sử - văn hoá.
8. Nhà ở xã hội; nhà ở công vụ.
9. Các loại nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Luật Nhà ở.
10. Người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng nếu giá trị thiệt hại của tài sản chịu thuế trên 50% giá tính thuế.
11. Người nộp thuế có số thuế phải nộp hàng năm từ 50.000 đồng trở xuống.
Dự thảo cũng quy định thêm 4 trường hợp được miễn giảm 50% thuế.
- Đất, nhà ở của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đất của doanh nghiệp sử dụng từ 20% đến 50% số lao động là thương binh, bệnh binh, người khuyết tật.
- Đất ở trong hạn mức giao đất ở mới, nhà ở tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
- Đất ở trong hạn mức giao đất ở mới, nhà ở của thương binh hạng 3/4, 4/4; người hưởng chính sách như thương binh hạng 3/4, 4/4; bệnh binh hạng 2/3, 3/3; con của liệt sỹ không được hưởng trợ cấp hàng tháng.
- Người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng nếu giá trị thiệt hại của tài sản chịu thuế từ 20% đến 50% giá tính thuế.
>>> Xem thêm: Chính thức giải ngân gói vay 4.8%/năm ngay trong năm 2018Dự thảo Thuế tài sản của Bộ Tài chính cũng quy định nguyên tắc miễn, giảm thuế cần đảm bảo công bằng, minh bạch và thống nhất trong việc xác định các trường hợp được miễn, giảm thuế, đề nghị quy định nguyên tắc miễn, giảm thuế tài sản như sau: - Người nộp thuế được hưởng cả miễn thuế và giảm thuế thì được miễn thuế; người nộp thuế thuộc hai trường hợp được giảm thuế trở lên theo quy định của Luật này thì được miễn thuế.
- Người nộp thuế chỉ được miễn thuế hoặc giảm thuế tại một nơi do người nộp thuế lựa chọn.
- Người nộp thuế có nhiều dự án đầu tư được miễn thuế, giảm thuế thì thực hiện miễn, giảm theo từng dự án đầu tư.
- Miễn thuế, giảm thuế chỉ áp dụng trực tiếp đối với người nộp thuế và chỉ tính trên số tiền thuế phải nộp theo quy định.